Hệ thống vũ khí Fridtjof Nansen (lớp khinh hạm)

Tên lửa chống hạm NSM.

Tên lửa chống hạm NSM (Naval Strike missile)

Tàu được trang bị 2 bệ, mỗi bệ 4 ống phóng tên lửa chống hạm NSM (Naval Strike missile). Tên lửa NSM được Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy nghiên cứu và phát triển. NSM bắt đầu được sản xuất loạt vào tháng 6 năm 2007. Tên lửa\ được đặt trong những hộp phóng riêng lẻ và có thể cất giữ luôn trong đó 10 năm mà không cần bảo dưỡng. Tên lửa NSM được thiết kế có khả năng tàng hình kết hợp với tính năng bay ở độ cao thấp và tự động phát nhiễu trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu. Những đặc tính này giúp tên lửa rất khó bị phát hiện hay bắn hạ bởi hệ thống phòng thủ của đối phương.

NSM dài 3,96m, mang theo đầu đạn nặng 125 kg, tầm bắn tối đa khoảng 160 km. Mặt khác, với việc đột phá về công nghệ sản xuất động cơ được áp dụng cho tên lửa NSM nên tên lửa loại này có vận tốc rất lớn, gấp vài lần vận tốc âm thanh. Với trọng lượng đầu đạn như trên kết hợp với vận tốc khá lớn đã làm tăng sức công phá của tên lửa NSM. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, hệ thống định vị toàn cầu GPS; ở giai đoạn cuối tên lửa khóa mục tiêu bằng cảm biến hình ảnh hồng ngoại thụ động 2 băng tần cho phép phân biệt các mục tiêu trong môi trường lộn xộn.

Tên lửa NSM được trang bị đầu dò hồng ngoạicamera chuyên dụng có khả năng phân biệt và nhận dạng được từng hình dáng của những tàu chiến riêng lẻ, cho phép nó tự động bỏ qua các mục tiêu dân sự như tàu cá, tàu hàng... để lựa chọn ra một tàu chiến của đối phương và tấn công phá hủy chúng. Ngoài ra, nếu chúng không tìm được mục tiêu định dạng phù hợp thì loại tên lửa này có chế độ tự phá hủy trên không để làm sao mà an toàn nhất cho các phương tiện của ngư dân đang hoạt động trên biển.

Các binh sĩ kỹ thuật Hải quân Liên bang Mỹ nạp đạn tên lửa RIM 162 ESSM lên hệ thống phóng Mk41 của tàu khu trục USS McCampbell (DDG 85).

Tên lửa hải đối không RIM-162 ESSM (Elvolved Sea Sparrow)

Tàu khu trục lớp Nansen được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 (16 ống phóng) lắp đặt phía sau pháo hạm ở mũi tàu. Hệ thống Mk41 sử dụng tên lửa hải đối không RIM-162 ESSM (cơ số 32 quả). RIM-162 ESSM (Elvolved Sea Sparrow) được Raytheon (Mỹ) hợp tác cùng 10 nước châu Âu phát triển từ cuối những năm 1990 cho nhiệm vụ chống tên lửa đối hạm siêu âm cơ động cao. Tất nhiên, bên cạnh đó nó còn có khả năng bắn hạ các loại máy bay tiêm kích, cường kích và trực thăng của đối phương. RIM-162 ESSM là biến thể nâng cấp của tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow. RIM-162 được trang bị một động cơ tên lửa lớn và mạnh hơn cho phép tăng cường thêm tầm bắn cũng như là tính năng cơ động. Theo sau đó là các nâng cấp về khí động học sử dụng các cánh đuôi và phương pháp hãm-để-xoay - phương pháp sử dụng trong tên lửa hoặc máy bay bay với tốc độ cao để chuyển hướng - giúp nó trở nên nhanh nhẹn hơn cho phép RIM-162 đối phó hiệu quả với các tên lửa đối hạm siêu âm.

RIM-162 được dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật dữ liệu bằng datalink ở pha giữa, pha cuối tên lửa được dẫn hướng bằng radar bán chủ động. Tên lửa RIM-162 nặng 280 kg, dài 3,66m, đường kính thân 254mm, lắp đầu đạn nổ phá mảnh 39 kg với ngòi nổ cận tiếp xúc. Tên lửa đạt tầm bắn tối đa hơn 50 km, tốc độ hành trình Mach 4 với động cơ nhiên liệu rắn Mk140 Mod 0.

Ngư lôi hạng nhẹ Stingray.Pháo hạm tự động Oto Melara SuperRapid cỡ nòng 76mm.Thiết bị truyền âm thanh tầm xa LRAD.

Ngư lôi Stingray

Tàu được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi với 2 ống phóng 324mm sử dụng ngư lôi Stingray. Stingray là loại ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ do GEC-Marconi sản xuất, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1983, sau đó nó được BAE Systems mua lại bản quyền.

Ngư lôi Stingray được trang bị động cơ phản lực nước chạy điện lấy từ nguồn pin Magne - AgCl, giúp giảm tối đa độ ồn. Sau khi phóng đi, Stingray sẽ tự động tìm đến mục tiêu nhờ sự dẫn đường của phần mềm chiến thuật tiên tiến và sonar chủ động kết hợp thụ động.

Thông số kỹ thuật cơ bản của ngư lôi Stingray: đường kính thân 324 mm; chiều dài 2,6 m; trọng lượng 267 kg với đầu đạn nặng 45 kg; độ sâu tác chiến 800 m; tầm bắn 8 – 11 km; vận tốc tối đa 45 hải lý/h (83 km/h).

Pháo hạm 76mm Oto Melara SuperRapid

Nansen được vũ trang một pháo hạm tự động Oto Melara SuperRapid cỡ nòng 76mm được phát triển bởi OTO Melara, Italia. Tốc độ bắn nhanh cùng với khả năng bắn nhiều loại đạn đặc biệt khiến Oto Melara 76 mm thích hợp với nhiều vai trò như đánh chặn tên lửa hành trình, chống máy bay, tàu chiến và hỗ trợ cho lực lượng trên mặt đất. Loại đạn dùng cho Oto Melara 76 mm có thể xuyên giáp, gây cháy, văng mảnh trực tiếp và thậm chí có thể được dẫn đường để phá hủy các tên lửa chống hạm. Oto Melara 76 mm có nòng pháo dài 4,7 m, đường kính 76,2 mm được điều khiển từ xa. Pháo có tầm bắn tối đa là 16 km, tốc độ bắn trung bình là 85 viên/phút, ở chế độ bắn nhanh là 120 viên/phút. Tháp pháo được thiết kế tăng cường các góc cạnh để làm tăng khả năng tàng hình cho tàu.

Thiết bị truyền âm thanh tầm xa LRAD

Tàu được trang bị 2 hệ thống thiết bị truyền âm thanh tầm xa LRAD. LRAD đóng vai trò như một thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, được phát triển bởi tập đoàn LRAD của Mỹ. LRAD được sử dụng để phát đi thông điệp, lời cảnh báo hoặc chùm âm thanh gây hại hay gây đau đớn ở khoảng cách xa hơn so với các loại loa thông thường. Hệ thống LRAD được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như: tuần tra trên biển, chống cướp biển,...

Điểm đặc biệt của LRAD là nó có thể truyền âm thanh một cách to và rõ ràng đến một vị trí mà không bị lẫn vào âm thanh xung quanh. Điều này giúp hạn chế mức độ nguy hại đến những người đang vận hành hoặc những người không có liên quan nhưng ở gần mục tiêu. LRAD có khối lượng khoảng 40 kg, có thể phát chùm âm thanh định hướng ở khoảng cách lên đến 3000m tuỳ vào điều kiện môi trường. LRAD có thể phát ra mức âm hưởng tối đa 150 dB với góc 30 độ, đây là mức âm hưởng vượt qua khỏi giới hạn gây đau đớn cho con người (130 dB) và đủ để gây thủng màng nhĩ.